- Trang chủ
- TIN TỨC NỔI BẬT
- 9 sự kiện nổi bật của Thể thao Việt Nam năm 2018
9 sự kiện nổi bật của Thể thao Việt Nam năm 2018
18:17 - 16/03/2020
Năm 2018 là năm thành công của Thể thao Việt Nam với nhiều thành tích nổi bật trên các lĩnh vực quản lý nhà nước hay các lĩnh vực chuyên môn như thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao. Phóng viên Trang tin điện tử TDTT Việt Nam xin điểm lại những sự kiện nổi bật của Thể thao Việt Nam trong năm 2018.
Năm 2018 là năm thành công của Thể thao Việt Nam với nhiều thành tích nổi bật trên các lĩnh vực quản lý nhà nước hay các lĩnh vực chuyên môn như thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao. Phóng viên Trang tin điện tử TDTT Việt Nam xin điểm lại những sự kiện nổi bật của Thể thao Việt Nam trong năm 2018.
9 sự kiện nổi bật của Thể thao Việt Nam năm 2018
Ngày 14/6, các đại biểu Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao với tỷ lệ tán thành 93.84%. Luật Thể dục, thể thao sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về: Thể dục, thể thao quần chúng; giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường; thể thao thành tích cao; thể thao chuyên nghiệp; cơ sở thể thao; đất đai dành cho thể dục, thể thao; đặt cược thể thao và một số nội dung khác. Sau khi được Quốc hội thông qua, Luật Thể dục, thể thao sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.
2. Nghị định quy định một số chế độ đối với HLV, VĐV thể thao và 27 Thông tư liên quan đến lĩnh vực quản lý TDTT đã được ban hành
Cuối năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu. Nghị định này quy định rõ về tiền lương; tiền hỗ trợ tập huấn, thi đấu; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo hiểm thất nghiệp; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; bảo hiểm khi tập huấn, thi đấu ở nước ngoài và tiền thưởng theo thành tích thi đấu đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu. Đây thực sự là tin vui cho những người làm công tác thể thao, khi chế độ tiền công, tiền ăn được tăng lên đáng kể.
Cũng trong năm 2018, Tổng cục TDTT đã trình Bộ trưởng Bộ VHTTDL ban hành 27 Thông tư liên quan đến lĩnh vực quản lý TDTT trong cả nước, trong đó có 24 Thông tư quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn của các môn thể thao để phù hợp với các quy định mới của Luật Đầu tư, Nghị định số 106/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao.; 02 Thông tư quy định chuyên môn về tiêu chuẩn trọng tài, giám sát, cơ sở vật chất, trang thiết bị của doanh nghiệp tổ chức hoạt động đua chó, đua ngựa để phù hợp với quy định của Nghị định số 06/2017/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế.
3. Chính phủ nhất trí việc Việt Nam đăng cai tổ chức SEA Games lần thứ 31 năm 2021 tại Hà Nội
Thường trực Chính phủ thể hiện nhất trí việc Việt Nam đăng cai tổ chức SEA Games 31 và Para Games 11. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng giao Hà Nội lập đề án về đăng cai tổ chức hai sự kiện thể thao lớn nhất khu vực này, do Hà Nội đã có kinh nghiệm và đủ nguồn lực để tổ chức vì đã từng tổ chức thành công SEA Games cách đây 15 năm cũng như mới đây nhất là tổ chức thành công Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 8. Dự kiến thời gian tổ chức SEA Games 31 sẽ diễn ra trong khoảng 17 ngày và Para Games 11 trong khoảng 11 ngày từ tháng 10 đến tháng 12/2021.
4. Đại hội TDTT các cấp và Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII thành công tốt đẹp
Đại hội TDTT các cấp được tổ chức sôi nổi từ cấp xã phường, thị trấn, cấp quận, huyện đến tỉnh/thành. Đã có 11.114/11.162 xã, phường, thị trấn tổ chức Đại hội TDTT cấp xã, đạt 99,56%; 710/713 quận, huyện, thị xã tổ chức Đại hội TDTT cấp huyện, đạt 99,5% và 63/63 tỉnh/thành đã tổ chức Đại hội, đạt 100%.
Từ thành công của Đại hội TDTT các cấp, Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII đã tổ chức thành công với ngôi nhất toàn đoàn thuộc về Hà Nội, hạng nhì là đoàn TPHCM và hạng ba là đoàn Quân Đội. Đặc biệt, Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII đã trở thành cuộc vận động lớn trong cả nước về thể dục thể thao. Với sự góp mặt của hơn 7.000 vận động viên thuộc 65 đơn vị, tỉnh, thành, ngành, Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018 đã ghi nhận những thành công nhất định về mặt chuyên môn. Các vận động viên đã nỗ lực quyết tâm thi đấu giành thành tích cao phá 199 kỷ lục, trong đó có 151 kỷ lục đại hội, 48 kỷ lục quốc gia ở các môn: Điền kinh, Bắn cung, Bắn súng, Bơi, Lặn và Cử tạ.
5. Đoàn thể thao Việt Nam thi đấu thành công tại Asiad
Đại hội thể thao châu Á lần thứ 18 là một kỳ Đại hội thành công khi đoàn Thể thao Việt Nam không chỉ hoàn thành chỉ tiêu trước ngày lên đường (giành 4 HCV, 165 HCB, 18 HCĐ) mà còn là kỳ Đại hội mà Thể thao Việt Nam giành được 2 tấm HCV ở các môn Olympic, như tấm HCV của VĐV Bùi Thu Thảo ở nội dung Nhảy xa môn Điền kinh hay tấm HCV ở môn Rowing. Cùng với đó là tấm HCB quý giá của kinh ngư Nguyễn Huy Hoàng trên đường đua xanh ở nội dung 1500m nam. Đại hội thể thao châu Á lần thứ 18 cũng ghi dấu ấn khi đội tuyển Olympic Việt Nam đã tạo nên lịch sử khi giành quyền vào thi đấu Bán kết tại đấu trường Á vận hội
6. Đội tuyển bóng đá Việt Nam giành nhiều thành tích trong năm 2018
Năm 2018 là năm đầy thành công của Bóng đá Việt Nam khi đội tuyển U23 Việt Nam giành ngôi Á quân tại Giải U23 châu Á, Olympic Việt Nam giành quyền vào thi đấu bán kết Đại hội thể thao châu Á, tuyển Việt Nam giành ngôi vô địch AFF Cup 2018. Thành công này có được có thể nói là kết quả của một quá trình đầu tư chiến lược từ bóng đá trẻ đến các ĐTQG. Bên cạnh đó phải kể đến sự thành công của đội tuyển Futsal nữ Việt Nam khi giành hạng tư châu Á hay câu lạc bộ futsal Thai Son Nam FC giành ngôi Á quân châu lục. Đây cũng là lần thứ 2 futsal Việt Nam lọt vào nhóm đệ tứ anh hào châu Á sau chiến tích của các đồng nghiệp nam năm 2016.
7. Chương trình Bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em đạt kết quả khả quan
Năm 2018 là năm mà ngành TDTT tập trung đẩy mạnh chương trình Bơi an toàn, phòng chống đuối nước và thực hiện sơ kết 2 năm thực hiện Chương trình này. Trong năm 2018 các tỉnh, thành phố đã tăng cường đầu tư ngân sách, huy động nguồn lực để tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, tập huấn, dạy bơi và đầu tư xây lắp các mô hình bể bơi phục vụ nhu cầu tập luyện môn bơi cho trẻ em. Tổng cục TDTT đã tổ chức 11 lớp tập huấn cho gần 1800 học viên về chương trình Bơi an toàn, phòng chống tai nạn đuối nước trẻ em. Đồng thời tổ chức lễ phát động trẻ em toàn quốc học bơi phòng, chống tai nạn đuối nước và tìm hiểu kiến thức kỹ năng phòng, chống đuối nước đã thu hút trên 3000 học sinh tham gia. Cũng trong năm 2018, số bể bơi được xây lắp tại các địa phương tăng nhanh so với năm 2016 khoảng 1.000 bể, hồ bơi các loại.
8. Đoàn thể thao Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ tại Đại hội thể thao người khuyết tật châu Á.
Tại Đại hội lần này, các vận động viên Việt Nam đã mang về tổng số 40 huy chương, gồm 8 huy chương Vàng, 8 huy chương Bạc và 24 huy chương Đồng, vượt chỉ tiêu về số lượng huy chương Vàng đặt ra là 4 chiếc. Kết thúc Asian Para Games 2018, đoàn Thể thao Người khuyết tật Việt Nam xếp thứ 12 trong số 44 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng tranh tài. Ấn tượng là kình ngư Võ Thanh Tùng, người đã giành được tổng cộng 3 HCV và 1 HCB, phá 2 kỷ lục Đại hội và 1 kỷ lục của châu Á.
9. Đoàn Thể thao Việt Nam vượt chỉ tiêu tại Olympic trẻ 2018
Đoàn thể thao Việt Nam đã có một kỳ đại hội thành công nhất sau 3 lần tham dự Đại hội Olympic trẻ. Chỉ với 13 vận động viên thi đấu ở 7 môn, các VĐV trẻ Việt Nam đã đem về 2 huy chương vàng và 1 huy chương bạc, đứng ở vị trí thứ 26 trên bảng xếp hạng. Nổi bật nhất là kình ngư trẻ Nguyễn Huy Hoàng, người đã giành chiến thắng ở nội dung bơi 800m tự do với kỷ lục quốc gia 7 phút 50 giây 20, và đô cử Ngô Sơn Đỉnh với chiếc huy chương vàng ở hạng cân 56kg với thành tích tổng cử 262kg. Sự thành công của các VĐV trẻ tại Olympic trẻ cho thấy thể thao Việt Nam đang sở hữu một lứa vận động viên trẻ đủ sức vươn ra sân chơi đỉnh cao thế giới và hứa hẹn sẽ đem về nhiều vinh quang hơn nữa cho Tổ quốc trong tương lai.