Kỷ niệm 77 năm Ngày Thể thao Việt Nam (27-3-1946/ 27-3-2023

13:58 - 28/03/2023

Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thể thao Việt Nam (27-3-1946/ 27-3-2023), phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ thể dục thể thao (TDTT) quần chúng để hiểu thêm về tinh thần rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại của nhân dân.

Kỷ niệm 77 năm Ngày Thể thao Việt Nam (27-3-1946/ 27-3-2023

Phóng viên (PV): Ông đánh giá thế nào về sự phát triển TDTT quần chúng hiện nay?

Ông Nguyễn Ngọc Anh: Dưới sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, lĩnh vực TDTT quần chúng đã có sự phát triển mạnh mẽ và sâu rộng. Tính đến hết năm 2022: Số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt 35,6%; số hộ gia đình tập luyện TDTT thường xuyên khoảng 26,7%; số câu lạc bộ TDTT cơ sở đạt hơn 70.000. Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác  vĩ đại” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và “Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới” được các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia.

 Ông Nguyễn Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Thể dục thể thao quần chúng. Ảnh: PHẠM HƯƠNG
 

 Ông Nguyễn Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Thể dục thể thao quần chúng.

Ảnh: PHẠM HƯƠNG

 

Tuy nhiên, thể dục thể thao quần chúng vẫn còn gặp nhiều hạn chế. Nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân cũng còn hạn chế; một số ngành, địa phương chưa thật sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư các nguồn lực cho công tác TDTT. Công tác quản lý nhà nước về TDTT còn chậm đổi mới trước cơ chế thị trường, do vậy, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

Bộ máy quản lý nhà nước về TDTT thường xuyên thay đổi, trong khi các tổ chức xã hội về TDTT chưa đủ mạnh để điều hành các hoạt động chuyên môn. Đội ngũ cán bộ TDTT, nhất là cán bộ quản lý, cán bộ khoa học, giáo viên, huấn luyện viên, hướng dẫn viên, cộng tác viên còn thiếu và yếu; cán bộ làm công tác TDTT ở xã, phường, thị trấn hầu như kiêm nhiệm, chưa được đào tạo bồi dưỡng thường xuyên về chuyên môn nghiệp vụ.

PV: Vụ TDTT quần chúng đã và đang triển khai những hoạt động gì nhằm khích lệ sự phát triển của phong trào rèn luyện thân thể của nhân dân?

Ông Nguyễn Ngọc Anh: Vụ TDTT quần chúng đã tham mưu trình các cấp lãnh đạo ban hành kế hoạch về tổ chức tháng hoạt động TDTT cho mọi người và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân giai đoạn 2020 - 2030; kế hoạch thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2021 - 2030; kế hoạch hướng dẫn toàn dân tập luyện TDTT nâng cao sức khỏe, phát triển tầm vóc, thể lực, phòng, chống bệnh tật giai đoạn 2021 - 2025; quyết định về chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2021 - 2030. Căn cứ các kế hoạch nêu trên, các địa phương, bộ, ngành đã chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai tổ chức phát động tại cơ sở, xã, phường, trường học, cơ quan, đơn vị và đạt được những kết quả rất tích cực.

PV: Thiết chế thể thao, trang thiết bị thể thao ở cơ sở có vai trò quan trọng trong phát triển thể thao cộng đồng, nhưng đây là một vấn đề khó khăn, nhiều nơi rất thiếu thốn. Ông nghĩ sao về nhận định này?

Ông Nguyễn Ngọc Anh: Đúng như vậy. Công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, lắp đặt trang thiết bị, dụng cụ tập luyện TDTT tại công viên, nơi công cộng để phục vụ nhu cầu tập luyện của quần chúng nhân dân đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, mô hình “phòng tập” thể thao ngoài trời đã và đang ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu tập luyện, nâng cao sức khỏe của người dân, kết nối tinh thần cộng đồng gần nhau hơn. Tuy nhiên, nhiều địa phương không thể đạt được chỉ tiêu này do quỹ đất dành cho TDTT ngày càng eo hẹp và thiếu cơ chế về kinh phí.

 Người dân hưởng ứng Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2023 tại Hà Nội. Ảnh: NGÂN HÀ
 

 Người dân hưởng ứng Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2023

tại Hà Nội. Ảnh: NGÂN HÀ

 

Cả nước hiện có 651/710 trung tâm văn hóa-thể thao cấp huyện; 7.563/10.525 trung tâm văn hóa-thể thao cấp xã, phường, thị trấn; 76.494/101.732 nhà văn hóa-khu thể thao thôn... Bên cạnh nguồn lực đầu tư của nhà nước, chính sách xã hội hoá TDTT đã thu hút được sự tham gia tích cực của nhân dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội tham gia đầu tư cho thể thao. Nhiều địa phương đã duy trì và khuyến khích phát triển các cơ sở tư nhân, các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xã hội hóa vào lĩnh vực TDTT như xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực, tổ chức các hoạt động TDTT. Tuy nhiên, các thiết chế thể thao, trang thiết bị thể thao ở cơ sở vẫn còn rất thiếu thốn chưa thể đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân ngày càng cao.

PV: Đề án nâng cao tầm vóc, thể lực người Việt Nam đã được triển khai đến đâu, đạt được kết quả như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Anh: Hiện tỷ lệ học sinh sinh viên thực hiện chương trình giáo dục thể chất chính khóa đạt 95%; tỷ lệ học sinh sinh viên được đánh giá và phân loại thể lực đạt 86,9%; tỷ lệ học sinh sinh viên đạt tiêu chuẩn rèn luyện theo quy định đạt 85%... Đến nay, chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam là 168,1cm, tăng 3,7 cm so với năm 2010; nữ thanh niên là 156,2cm, tăng 1,4cm so với năm 2010.

Giai đoạn 2021 - 2030, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục triển khai Quyết định 641-Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030 lồng ghép triển khai Quyết định số 41/QĐ-TTg ngày 8-1-2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh để nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi và hen phế quản giai đoạn 2018-2025”.

Đây là những chính sách và tiền đề hết sức quan trọng nhằm thúc đẩy công tác giáo dục thể chất, hoạt động TDTT trường học phát triển để thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng con người mới Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

PV: Theo ông, các cấp, ngành cần làm gì để thúc đẩy sự phát triển của TDTT phong trào, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đất nước?

Ông Nguyễn Ngọc Anh: Hiện Vụ TDTT quần chúng đang tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong tâm, gồm: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động toàn dân tích cực tập luyện TDTT; xây dựng và phổ biến tài liệu hướng dẫn tập luyện TDTT đúng cách góp phần nâng cao chất lượng phong trào TDTT; xây dựng và nâng cao năng lực cho đội ngũ hướng dẫn viên, cộng tác viên về kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ hướng dẫn tập luyện TDTT; đẩy mạnh công tác phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban Olympic Việt Nam, các Liên đoàn, hiệp hội thể thao trong việc đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực và quản lý, chỉ đạo nâng cao hiệu quả phong trào TDTT trong mọi đối tượng; phát triển, nâng cao chất lượng các sơ sở, dịch vụ hướng dẫn tập luyện TDTT; nhân rộng các mô hình tiên tiến về hướng dẫn tập luyện hiệu quả.

Tiền Phong Marathon 2023 quy tụ nhiều chân chạy phong trào. Ảnh: NHƯ Ý 

Tiền Phong Marathon 2023 quy tụ nhiều chân chạy phong trào. Ảnh: NHƯ Ý 

Để nâng cao chất lượng các cơ sở hướng dẫn tập luyện TDTT, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần quan tâm xây dựng và nhân rộng mô hình cá nhân, tập thể, doanh nghiệp điển hình tiên tiến về cách thức tổ chức tập luyện TDTT khoa học, hiệu quả và thiết thực; khuyến khích việc đưa kết quả phong trào TDTT là một trong những tiêu chí thi đua hằng năm của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học. Đồng thời tăng cường phối hợp kiểm tra, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở, cá nhân tổ chức hoạt động TDTT, đặc biệt đối với các dịch vụ hướng dẫn tập luyện TDTT trên các kênh thông tin, truyền thông, mạng xã hội nhằm quản lý, hướng dẫn các cơ sở bảo đảm yêu cầu chuyên môn và từng bước nâng cao chất lượng hướng dẫn tập luyện cho nhân dân.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc tập luyện TDTT. Trong lúc nước nhà đang phải đương đầu với “giặc đói”, “giặc dốt” và “giặc ngoại xâm”, Người vẫn nêu gương rèn luyện thân thể bằng tinh thần “Tự tôi ngày nào cũng tập” và khẳng định: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công”. Bởi vậy, rèn luyện thân thể là trách nhiệm của mỗi người dân yêu nước để cùng chung tay xây dựng Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

MỸ ANH (thực hiện)