Người khuyết tật thời 4.0: Lựa chọn nghề nghiệp mới
11:54 - 14/12/2022
Thị trường lao động chứng kiến sự phát triển của ngành tiếp thị trực tuyến (digital marketing), công nghệ thông tin... Người khuyết tật hoàn toàn có thể đáp ứng những ngành này.
Cơ duyên từ đọc báo
Tôi rất bất ngờ khi phỏng vấn anh Phạm Như Ý (34 tuổi, quê Phú Yên) vì anh nói cuộc đời anh sang trang mới, một phần nhờ vào đọc... Báo Thanh Niên. Chàng trai này hiện là trưởng nhóm marketing của một công ty chuyên trang trí, thiết kế nhà ở Q.Tân Phú (TP.HCM).
Anh Ý khuyết tật vận động, bại liệt 2 chân sau một cơn sốt lúc 3 tuổi. Quê nghèo, gia cảnh khó khăn, ba mất khi Ý mới 8 tuổi. Cả gia đình phải đi biển suốt, mưu sinh vất vả. Suốt thời tiểu học, Ý phải nhờ một người bạn cõng đến lớp. Đến năm lớp 6, bạn Ý chuyển trường, không ai đưa đón, Ý đành thôi học.
“Nghỉ học, chỉ loay hoay ở nhà. Có lần, hai người anh khuyết tật ở gần nhà rủ tôi vào TP.HCM bán vé số. Tôi xin nhà đi, ban đầu không ai cho, nhưng tôi năn nỉ, muốn đi một chuyến cho biết. Đó là năm 2000. Ban đầu vào, theo hai người anh, cả nhóm sống chen chúc, ngủ sàn nhà, hành lang có đủ. Bán được nửa tháng, tôi nhớ nhà quá không chịu được, mượn chủ đại lý vé số 50.000 đồng để mua vé xe về quê, nhưng họ không cho. Tôi quyết ở lại luôn”, anh Ý kể.
Anh Phạm Như Ý tự tin hòa nhập cuộc sống |
Bán vé số ròng rã 13 năm, anh Ý tiếp xúc nhiều người, có người khuyên anh nên đi học nghề, ổn định cuộc sống. Mê vi tính nên anh đăng ký một trường học dạy nghề cho người khuyết tật, nhưng éo le ở chỗ, trường không nhận do anh mới có trình độ lớp 5. “Tôi bèn đăng ký học trường tư. Cứ chiều bán vé số xong thì đi xe lắc qua lớp học. Tiền bán vé số, tôi dành cho học vi tính hết”.
Anh Ý ham đọc, nhất là đọc báo. Một sáng nọ, đọc Báo Thanh Niên, anh Ý thấy có dự án nâng cao năng lực cho thanh niên khuyết tật của Trung tâm khuyết tật và phát triển (DRD) nên tìm cách liên hệ ngay. Tham gia dự án, anh giao lưu với các bạn sinh viên khuyết tật khác, học các kỹ năng mềm, rồi sau đó Ý nhận được học bổng thiết kế đồ họa của dự án tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM. Vừa học, anh Ý vừa nhận hỗ trợ dự án di chuyển cho người khuyết tật tại trung tâm và nghỉ bán vé số. Khoảng 4 năm sau, anh nhận thêm học bổng digital
marketing (tiếp thị kỹ thuật số, quảng bá thương hiệu sản phẩm qua các công cụ online như website, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử... Đây là lĩnh vực không thể thiếu trong sự phát triển của doanh nghiệp - PV).
“Sau khi học xong, tôi đi làm ở chỗ người quen được 2 năm. Trong một buổi giao lưu offline của khóa học SEO (phương pháp tối ưu hóa công cụ tìm kiếm), tôi tình cờ quen một người anh và chuyển sang công ty của anh này làm tới nay”, anh Ý nói và cho biết thêm: “Nơi này đông nhân viên, nhưng tôi thấy rất hào hứng, bình đẳng và được tôn trọng. Công việc cũng vậy, không phải quan tâm về khuyết tật mà là khả năng của mỗi cá nhân. Cơ hội ở ngành digital marketing dành cho tất cả mọi người. Trong tương lai, ngành nghề này còn tiến xa hơn nữa bởi marketing là một bộ phận đầu não của công ty cũng như có thể duy trì làm việc từ xa. Người khuyết tật hoàn toàn có thể đáp ứng nghề này. Nhưng cần nâng cao năng lực bản thân bằng cách không ngừng học hỏi và tích lũy kinh nghiệm”.
Không hạn chế tư duy
Gia công dữ liệu là một công việc “nở nồi” từ công nghệ thông tin, xu hướng lưu dữ liệu và đặc biệt là “dạy” cho trí thông minh nhân tạo (tự động hóa các hành vi con người, tự tiếp nhận và xử lý thông tin để hình thành big data - dữ liệu lớn). Ngành nghề này, tuy yêu cầu tuyển dụng đầu vào không cao, song người lao động phải thuần thục phân tích văn bản hoặc số liệu; kiểm tra, đối sánh các dữ liệu.
Nghe gia công dữ liệu có vẻ hơi... lạ, tuy nhiên anh Võ Minh Hiếu (32 tuổi, quê Vĩnh Long) đã làm được nghề này 10 năm. Anh Hiếu có tật cong vẹo cột sống, không phù hợp các công việc nặng. Một lần đi khám bệnh, gặp một người bạn khuyết tật khác, anh Hiếu được giới thiệu một khóa học thiết kế đồ họa miễn phí ở TP.HCM.
“Tôi lên TP.HCM, đăng ký và trúng tuyển khóa học. Sau khi học xong, tôi được giới thiệu và làm công việc xử lý dữ liệu ở Công ty Swiss Post Solutions Vietnam (SPS Việt Nam) tới nay”, anh Hiếu kể, ban đầu vào làm việc cũng lắm khó khăn, công việc dẫu không lao động gì nhiều, nhưng đòi hỏi sự chính xác, ngồi vi tính lâu.
Những dữ liệu mà anh Hiếu xử lý có thể kể đến như dữ liệu khách hàng (thông tin sản phẩm mua hàng, địa chỉ, số điện thoại khách hàng...). Anh Hiếu đánh giá, việc xử lý, lưu trữ thông tin có vai trò rất lớn trong việc đồng bộ hóa hệ thống thông tin dữ liệu của công ty, qua đó gián tiếp phát triển doanh số cho doanh nghiệp. Ngành nghề này là yêu cầu bắt buộc trong thời đại số, đòi hỏi nhiều nhân sự và đặc biệt phù hợp với người khuyết tật.
Do tính chất công việc ngồi máy tính lâu nên công ty nơi anh Hiếu làm việc có chính sách vui chơi, giải trí ngay tại không gian làm việc của đơn vị. “Công ty cũng có nhiều chế độ đãi ngộ với người khuyết tật như về trợ cấp, giảm số giờ làm việc... Lương của tôi đủ trang trải cho các khoản chi phí sinh hoạt như tiền trọ, ăn uống. Quan trọng là công việc vừa sức với người khuyết tật, trong dịch Covid-19 cũng không ảnh hưởng nhiều vì tôi vẫn có thể làm online tại nhà”, anh Hiếu chia sẻ.
Cũng làm công việc gia công dữ liệu hơn 10 năm qua, chị Kơjong Prong Nai Phê (quê Lâm Đồng, 35 tuổi), khuyết tật vận động bẩm sinh cả hai chân, chia sẻ ngành nghề này được ưu điểm là rất đa dạng, có nhiều dự án, đổi mới liên tục.
“Đồng nghiệp, công ty không coi mình là người khuyết tật. Mọi thứ rất cởi mở”, chị Nai Phê nói và cho biết thêm: “Người khuyết tật cần trang bị kiến thức, phải tự tin, có công việc. Đồng thời, phải luôn nhớ là dẫu có hạn chế về vận động, nhưng không hạn chế về tư duy. Muốn người khác nhìn bình thường thì mình phải nhìn mình là bình thường và không tự ti, mặc cảm về bản thân”.
Theo Tổng cục Thống kê, vào thời điểm 2016, có khoảng 2/3 người khuyết tật trong độ tuổi lao động tại Việt Nam không có việc làm, 92,7% người khuyết tật không được đào tạo nghề.
Ông Nguyễn Văn Cử, Phó giám đốc Trung tâm khuyết tật và phát triển (DRD), nhận định những ngành nghề 4.0 sẽ mở ra “cánh cửa” mới cho cuộc đời của người khuyết tật, rất phù hợp với người khuyết tật vận động, khiếm thị, khiếm thính vì không cần đến sự đi lại nhiều, sự vận động của cơ bắp, cũng như giao tiếp bằng lời. Mặt khác, với tình hình Covid diễn biến phức tạp, hạn chế đi ra ngoài hoặc đi làm nên người khuyết tật có thể làm việc tại nhà. Với ngành nghề 4.0, họ có điều kiện học tập, nâng cao trình độ, tiếp cận thông tin trong nước và quốc tế, từ đó rút ngắn khoảng cách với xã hội và tạo ra những sản phẩm, dịch vụ chất lượng, hữu ích và tạo được tác động xã hội.
Về phía doanh nghiệp, theo luật Người khuyết tật 2010, có nhiều ưu đãi cho cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên (là người khuyết tật) như được hỗ trợ cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp; được ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng, mặt nước và miễn, giảm tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước...
TN OLINE