“Khủng” hơn cả ông xã
Nếu như Cao Ngọc Hùng nổi lên với cú ném lao ấn tượng mang về tấm huy chương đầu tiên cho thể thao khuyết tật Việt Nam tại Thế vận hội năm 2016 thì tại nội dung ném đĩa, Nguyễn Thị Hải cũng rất ít có đối thủ cạnh tranh được với mình. Thậm chí so về bề dày thành tích, Nguyễn Thị Hải còn có phần nổi trội hơn người đầu ấp tay gối của cô.
Sinh ra ở Hưng Nguyên (Nghệ An), Nguyễn Thị Hải không may gặp một cơn sốt bại liệt ác tính năm 3 tuổi. Cơn bạo bệnh đã cướp đi đôi chân vốn lúc nào cũng chạy nhảy, nô đùa nơi mảnh đất nhiều sương nhiều nắng của Hải. Nhưng ngay cả như vậy, nghị lực sống phi thường giúp Hải vượt qua mặc cảm của số phận. Sau khi kết thúc phổ thông, Hải quyết định chọn cho mình một ngã rẽ mà theo nhiều người cho là liều lĩnh. Đó là nam tiến để theo học CLB hướng nghiệp khuyết tật trẻ tại TP.HCM.
Như một cách mà ông trời chỉ đường, rẽ lối. Hải được các thầy khuyên nên tập thể thao. Cô được thầy Đặng Văn Phúc cho tập thử môn ném đĩa, phóng lao và đẩy tạ. Suốt 1 năm tập luyện kiên trì, Hải cho thấy mình có năng khiếu với ném đĩa. Để rồi ở giải đấu đầu tiên của cuộc đời (Giải Thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2005 tại Hà Nội), cô giành 2 HCV, 1 HCB và được tuyển vào ĐTQG. Ấn tượng hơn ở ASEAN Para Games 2005, cô gái miền Trung lập hat-trick vàng ở ném lao, đẩy tạ và ném đĩa.
Nhưng đó chưa phải là đỉnh cao trong sự nghiệp thể thao của Nguyễn Thị Hải. Bởi 9 năm sau tại ASEAN Para Games 2014, cô đạt thông sốt 24,88 ở nội dung ném đĩa, qua đó vượt qua cả kỷ lục thế giới. Với 15 HCV SEA Games qua các thời kỳ, 1 HCV, 1 HCĐ ở giải châu Á 2006, 1 HCB ở giải vô địch châu Á 2010, Nguyễn Thị Hải cho thấy mình là một trong những VĐV khuyết tật Việt Nam thành công nhất tính đến hiện tại. Và đó cũng là động lực để cô nhận được sự tài trợ của Herbalife Việt Nam, từ tư vấn, cung cấp chế độ dinh dưỡng cho đến những hỗ trợ về tinh thần cần thiết trong tập luyện và thi đấu.
Giấc mơ về một căn nhà nhỏ
Như đã nói, chồng của Nguyễn Thị Hải là Cao Ngọc Hùng - VĐV đã đoạt huy chương đầu tiên cho điền kinh khuyết tật Việt Nam ở thế vận hội. Tìm được tiếng nói chung về hoàn cảnh, về duyên phận đến với thể thao cũng như cùng nhau vượt qua những gian truân trong cuộc sống để chinh phục những đỉnh cao thể thao, cả hai trở thành một cặp đôi vàng trong làng vận động viên Việt Nam nói riêng và VĐV khuyết tật Việt Nam nói riêng.
Cuộc sống của họ hiện tại dù có thể vất vả, thiếu thốn nhưng niềm vui với Cao Ngọc Hùng - Nguyễn Thị Hải chính là hai đứa con khỏe đẹp, lành lặn. Sau những thành công ở các giải đấu lớn nhỏ từ khu vực đến thế giới, cả hai lại tất bật với quán cơm, với mơ ước có cho mình một ngôi nhà nhỏ hạnh phúc.
Với riêng Nguyễn Thị Hải, cô cho thấy mình không chỉ là một VĐV ném đĩa tài năng mà còn là một người mẹ tần tảo, một người vợ biết lo toan cho chồng, cho con. Sau khi sinh con, không còn chế độ, Hải vẫn duy trì tập luyện bênh lốp xe tại nhà để chồng Ngọc Hùng chuyên tâm tập luyện. 3 năm trước, cô chấp nhận hy sinh suất dự Paralympic để chăm con nhỏ. Nhưng cũng nhờ điều đó mà chồng của cô, Cao Ngọc Hùng yên tâm hơn, tự tin hơn để qua đó tạo nên một cú ném lao để đời ở đấu trường thế giới.
Đằng sau thành công của một người đàn ông là sự hy sinh của người phụ nữ. Và với Nguyễn Thị Hải, cô đã và đang là chỗ dựa tinh thần tuyệt vời cho chồng mình, là lòng mẹ bao dung, ấm áp với 2 đứa con thơ.