Những nữ VĐV khuyết tật vượt lên số phận: Có niềm tin sẽ có chiến thắng!
08:59 - 13/03/2020
Những nữ VĐV khuyết tật vượt lên số phận: Có niềm tin sẽ có chiến thắng!
(Dân Việt) Số phận nghiệt ngã có thể khiến cuộc đời những nữ vận động viên (VĐV) khuyết tật trở nên cực nhọc, nhưng không bao giờ dập tắt được ý chí vượt lên chính mình, chinh phục đỉnh cao thể thao của họ.
Những nữ VĐV khuyết tật vượt lên số phận: Có niềm tin sẽ có chiến thắng!
(Dân Việt) Số phận nghiệt ngã có thể khiến cuộc đời những nữ vận động viên (VĐV) khuyết tật trở nên cực nhọc, nhưng không bao giờ dập tắt được ý chí vượt lên chính mình, chinh phục đỉnh cao thể thao của họ.
Hàng tá “vàng mười”
Đến phường 5, thành phố Đông Hà (Quảng Trị), hỏi “Huế bơi lội” thì ai cũng biết. Bà Hồ Thị Huế năm nay đã 51 tuổi, trong quá khứ đã mang về trên 100 huy chương trong nước, quốc tế cho thể thao người khuyết tật Quảng Trị nói riêng và thể thao người khuyết tật Việt Nam nói chung.
Tâm sự với người viết, bà Huế cho biết: Thuở nhỏ, bà thường tập bơi ở các hố bom đạn gần nhà. Bà ước mơ mình sẽ trở thành giảng viên môn bơi lội. Nhưng năm 19 tuổi, khi làm việc trong một nhà máy xi măng ở thành phố Đông Hà, bà chẳng may bị trục rulô cuốn nát chân trái. Trong những thời điểm bĩ cực nhất của cuộc đời, bà Huế đã tìm thấy niềm tin sau khi tham dự và giành tấm Huy chương Vàng bơi 50m nữ Đại hội thể dục thể thao người khuyết tật toàn quốc 1997 tổ chức ở Quảng Trị. Kể từ đó về sau, “Huế bơi lội” liên tục xuất hiện trên bục cao nhất ở các cự ly 50, 100, 200m tại các giải đấu trong nước.
Trên đấu trường quốc tế, VĐV Hồ Thị Huế đã giành tấm huy chương đầu tiên tại Para Games 2001 tổ chức ở Malaysia và tiếp đó là những thành công tại Đại hội thể thao người khuyết tật châu Á-Thái Bình Dương 2002 (Hàn Quốc), Para Games 2003 (Việt Nam), Para Games 2005 (Philippines)... “Lần đầu tiên đứng trên bục cao nhất ở Para Games, nhìn lá cờ đỏ sao vàng kéo lên trong tiếng nhạc quốc ca hùng tráng, tôi đã bật khóc rất nhiều. Càng vinh dự, hạnh phúc bao nhiêu tôi càng quyết tâm rèn luyện, cống hiến vì màu cờ sắc áo, vì thể thao khuyết tật nước nhà” - bà Huế xúc động kể lại.
Không những là một tấm gương về ý chí, nghị lực, một điểm sáng của thể thao người khuyết tật Việt Nam, bà Huế còn giỏi làm kinh tế, giúp đỡ những số phận cùng cảnh ngộ. Cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của bà luôn có 10 lao động là người khuyết tật trên khắp cả nước được bà dạy nghề, nuôi ăn ở và được trả mức lương 4 triệu đồng/người mỗi tháng.
Bơi giỏi, chạy cũng nhanh
Cũng là một nữ VĐV bơi lội đầy nghị lực, chị Hồ Thị Lan (40 tuổi, trú phường Đông Thanh, thành phố Đông Hà, Quảng Trị) còn giỏi cả... điền kinh. Sinh ra trong gia đình nghèo, năm mới tròn 1 tuổi, sau trận sốt, chân phải của chị Lan bị teo tóp rồi tật nguyền từ đó, mọi sinh hoạt trở thành gánh nặng. Trầy trật cuốc bộ một ngày hơn 10km đến trường, chị Lan cũng chỉ học tới lớp 6 rồi bỏ ngang ước mơ trở thành cô giáo, ở nhà chăn trâu đỡ đần gia đình.
Đi chăn trâu, hay bơi lội với chúng bạn ở hố bom, hầm đạn, nhiều lần chị Lan bị bố mẹ đánh đòn. Tuy nhiên, tình yêu thể thao đã thôi thúc chị tiếp tục cố gắng. Năm 20 tuổi, chị Lan tình cờ gặp và được bà Hồ Thị Huế giới thiệu tham gia Hội thể thao khuyết tật thành phố Đông Hà. Nhờ chăm chỉ tập luyện, cộng thêm sự động viên, giúp đỡ của các huấn luyện viên, bạn bè nên kỹ thuật bơi của chị tiến bộ nhanh chóng: “Thành tích đầu tiên tôi giành được là tấm Huy chương Đồng 50m bơi ngửa ở giải thể thao khuyết tật toàn quốc tổ chức tại Hà Nội năm 2003. Chỉ từng đó cũng đã làm tôi rơi nước mắt vì sung sướng và có thêm động lực, niềm tin vào cuộc sống”- chị Lan bộc bạch.
Không dừng lại ở bơi lội, chị Lan còn tham gia chạy điền kinh 100m và giành luôn Huy chương Vàng cũng tại giải thể thao này. Sau 12 năm thi đấu, chị Lan đã đóng góp cho thể thao khuyết tật tỉnh Quảng Trị hơn 30 tấm huy chương các loại, đồng thời trở thành một trong những “nữ tướng” bơi lội. Chị Lan chia sẻ: “ Dù là người bình thường hay khuyết tật, làm bất cứ việc gì cũng phải có niềm tin và lòng quyết tâm thì chắc chắn sẽ giành được chiến thắng”.