Bà Lê Thị Hoàng Yến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao chia sẻ: "Tôi bất ngờ khi nhận được thông tin này, bởi mới đây tôi vẫn thường xuyên trao đổi với chú (ông Hoàng Vĩnh Giang - PV) về những thông tin liên quan đến thể thao Việt Nam. Đây là tổn thất lớn cho ngành thể thao Việt Nam. Vĩnh biệt chú Hoàng Vĩnh Giang".
Ông Hoàng Vĩnh Giang sinh 1946, là con trai của cố GS Hoàng Minh Giám. Ông Hoàng Vĩnh Giang không chỉ thừa kế di sản quý báu về tinh thần, trí tuệ của người cha mà còn sớm bộc lộ rất rõ năng khiếu thể thao từ bé.
Thời trẻ, ông Hoàng Vĩnh Giang có thể chơi tốt nhiều môn thể thao, từ bóng rổ, bóng chuyền, bóng đá và nhất là điền kinh, chưa kể còn giỏi võ. Ông Hoàng Vĩnh Giang đã có một nghiệp vận động viên lừng lẫy, với tư cách một kỷ lục gia nhảy cao, cột mốc 1m96 mà ông tạo được trong nước, tại liên Bang Nga ông ấy nhảy qua 2,01 m và giữ kỉ lục suốt được 32 năm.
Kể từ 2003, ông Hoàng Vĩnh Giang đã được xem là chiến lược gia của thể thao Hà Nội và cả nước, gắn với điểm rơi rực rỡ là việc Việt Nam tổ chức thành công SEA Games 22 về mọi mặt, trong khi đoàn thể thao Việt Nam giành ngôi nhất toàn đoàn. Đây chính là cú hích tạo nên bước đột phá trong sự phát triển và hội nhập quốc tế của cả một nền thể thao, với vai trò cùng dấu ấn lớn của vị Giám đốc Sở TDTT Hà Nội, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam.
Năm 2006, ông Hoàng Vĩnh Giang đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỷ đổi mới vì những đóng góp của ông đối với nền thể thao Việt Nam và là người đầu tiên trong ngành Thể dục thể thao được phong tặng danh hiệu này.
Năm 2012, ông được Ủy ban Olympic quốc tế trao tặng giải thưởng quốc tế vì có nhiều đóng góp cho sự phát triển của phong trào Olympic Việt Nam nói riêng và phong trào Olympic quốc tế nói chung.
Những năm cuối đời, ông Hoàng Vĩnh Giang vẫn cống hiến cho sự nghiệp thể thao trong vai trò Phó Chủ tịch Hội đồng Olympic Châu Á, Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam.