Ông Nguyễn Hồng Minh,Trưởng đoàn TTNKTVN: 'Thành công tại Paralympic nhờ nỗ lực và ý chí của các VĐV'
Ông Nguyễn Hồng Minh,Trưởng đoàn TTNKTVN: 'Thành công tại Paralympic nhờ nỗ lực và ý chí của các VĐV'
19:08 - 07/09/2021
Nỗ lực vượt qua mọi khó khăn trong quá trình chuẩn bị, kết hợp với ý chí kiên cường, khát khao vươn lên trong quá trình thi đấu của các VĐV đã giúp đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam (TTNKTVN) thi đấu thành công tại Paralympic Tokyo. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT - Trưởng đoàn TTNKTVN Nguyễn Hồng Minh chia sẻ sau khi đại hội kết thúc.
Đoàn TTNKTVN đã chia tay Paralympic Tokyo với thành tích giành 1 HCB của lực sỹ Lê Văn Công và ông đánh giá như thế nào kết quả thi đấu của toàn đoàn tại kỳ đại hội lần này?
- Đoàn TTNKTVN tham dự Paralympic Tokyo với 15 thành viên, trong đó có 7 VĐV, 3 HLV góp mặt thi đấu ở 3 môn: điền kinh, bơi và cử tạ. Có rất nhiều khó khăn trong suốt quá trình chuẩn bị, di chuyển và thi đấu do sự ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài hơn 1 năm qua. Tuy nhiên, toàn bộ các VĐV đều đã thể hiện nỗ lực, quyết tâm vượt lên chính mình trong các cuộc thi đấu, để lại hình ảnh tốt đẹp trong lòng bè bạn quốc tế và gửi đi những thông điệp tích cực, truyền tải khát vọng vượt lên số phận.
Điểm nhấn đáng chú ý nhất về thành tích mà đoàn giành được là tấm HCB môn cử tạ của Lê Văn Công ở hạng dưới 49kg với phần thi đấu nhiều cảm xúc, trong bối cảnh lực sỹ này vẫn bị ảnh hưởng bởi chấn thương vai.
Ở các cuộc thi đấu còn lại, về cơ bản, các VĐV đều đạt thành tích cao hơn trong tập luyện, vượt qua chính mình và dù không giành được huy chương nhưng cũng rất đáng khen ngợi nếu nhìn từ quá trình tập luyện với rất nhiều trở ngại.
Trong thời gian trước, trong và sau khi thi đấu tại Paralympic Tokyo, đoàn TTNKTVN luôn nhận được sự quan tâm, động viên của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ VH-TT&DL, sự ủng hộ, cổ vũ và hỗ trợ của các nhà tài trợ, người hâm mộ… tại Việt Nam và Nhật Bản.
Cùng với nỗ lực của các VĐV, HLV và các thành viên, tất cả đã đem lại một kỳ đại hội thành công cho đoàn TTNKTVN và chúng tôi xin được gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất tới tất cả những tình cảm đặc biệt này.
* Chứng kiến các cuộc thi đấu tại Paralympic của đoàn TTNKTVN tại Paralympic Tokyo, trong vai trò là Trưởng đoàn, đồng thời cũng lãnh đạo ngành thể thao, ông có thể chia sẻ thêm những cảm nhận gì từ kỳ đại hội lần này?
- Paralympic là đấu trường thể thao lớn nhất thế giới dành cho người khuyết tật, mỗi VĐV tới đây đều mang theo khát vọng thể hiện mình, quyết tâm vượt qua nghịch cảnh do những khiếm khuyết cơ thể của bản thân để giành chiến thắng trong các cuộc thi đấu. Tùy theo điều kiện, hoàn cảnh của mỗi quốc gia, sự đầu tư và chăm sóc cho VĐV người khuyết tật cũng khác nhau và điều đó phần nào thể hiện qua thành tích giành được.
Các VĐV của đoàn TTNKTVN đã thể hiện được ý chí, nghị lực kiên cường trong tập luyện và thi đấu song chúng ta cũng cảm nhận rất rõ, các VĐV đều có hoàn cảnh rất khó khăn, bản thân nhiều người vẫn phải vất vả mưu sinh trong cuộc sống.
Tôi thực sự khâm phục ý chí và nỗ lực của họ, bởi với người bình thường, khỏe mạnh thi đấu giành thành tích cao trong thể thao cũng đã khó, với người khuyết tật, mọi thứ còn nhiều thách thức hơn. Điều đó cho thấy, mỗi thành tích mà các VĐV giành được đều thực sự đáng trân trọng.
* Đoàn TTNKTVN đã có 2 kỳ Paralympic gần đây khá thành công nhưng thực tế cho thấy, nhiều VĐV đều đã lớn tuổi không thể tiếp tục thi đấu thêm nhiều thời gian và nhiều VĐV chia sẻ, bản thân họ cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tập luyện thể thao vì còn phải lao động kiếm sống. Đây là một thực tế khiến cho TTNKTVN chưa thể giành thêm nhiều thành tích cao trên đấu trường lớn của thế giới?
- Việc tập luyện, thi đấu và hội nhập của thể thao người khuyết tật có điểm khác biệt so với thể thao thành tích cao thông thường nhưng cũng có những điểm tương đồng. Bởi để cải thiện, nâng cao thành tích thì cũng đòi hỏi sự đầu tư, chăm sóc về y tế, dinh dưỡng và điều kiện tập luyện...
Đa phần các VĐV người khuyết tật tại Việt Nam đều rất khó khăn, việc hòa nhập với cuộc sống cũng có không ít trở ngại. Tôi biết có những VĐV buổi sáng họ bốc thăm thi đấu xong là lại đi bán vé số để kiếm thêm thu nhập, rồi đến giờ thi đấu thì quay lại. Hầu hết các VĐV khuyết tật họ đều phải làm thêm các nghề khác mới có đủ thu nhập phục vụ cuộc sống. Để các VĐV gắn bó với thể thao, yên tâm tập luyện thì trước tiên cần được hỗ trợ để có cuộc sống đảm bảo, từ đó, làm nền tảng để hiện thực hóa ước mơ giành thành tích cao.
Với điều kiện của chúng ta hiện nay, thực tế vẫn còn hạn chế trong việc đầu tư cho TTNKT ngay từ ở địa phương và cơ sở. Các VĐV người khuyết tật chưa thể sống được bằng nghề VĐV vì thu nhập từ thể thao chưa đảm bảo và thiếu ổn định. Nếu tham dự giải quốc gia họ chỉ được tập trung 1-2 tháng, còn vào ĐTQG thi đấu quốc tế thì có thể nhiều hơn nhưng thực tế là khó có thể đảm bảo được cho cuộc sống.
Để tháo gỡ khó khăn cho VĐV người khuyết tật nếu chỉ trông đợi hoàn toàn và nguồn ngân sách nhà nước thì không thể đủ, mà cần thêm sự chung tay, giúp đỡ và ủng hộ của toàn xã hội thì các VĐV mới có thể yên tâm tập luyện, cải thiện thành tích.
Tôi cũng rất mong, tới đây, TTNKTVN sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các mạnh thường quân để có điều kiện tốt hơn nhằm mang về thêm nhiều thành tích trên đấu trường quốc tế.