Paralympic chào mừng Ngày người khuyết tật Việt Nam

11:40 - 18/04/2020

Hôm nay 18/4, Hiệp hội Paralympic Việt Nam chính thức ra mắt giao diện website mới
chào đón Ngày người khuyết tật Việt Nam. Kể từ nay website paralympic.org.vn sẽ liên tục đưa tin về tình hình hoạt động của Hiệp hội và Thể thao khuyết tật, trở thành một kênh kết nối với cộng đồng, xã hội.

Paralympic chào mừng Ngày người khuyết tật Việt Nam

Lịch sử ra đời Ngày người khuyết tật Việt Nam

Ngày 30 tháng 7 năm 1998 Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số  06/1998/PL-UBTVQH10 về người tàn tật. Tại điều 31 có quy định lấy ngày 18 tháng 4 hàng năm là Ngày bảo vệ, chăm sóc người tàn tật. Sau này, khi Luật người khuyết tật Việt Nam, Luật số: 51/2010/QH12, tại điều 11 chính thức ghi nhận ngày 18 tháng 4 hàng năm là Ngày người khuyết tật Việt Nam.
Ngoài ra chúng ta có thể tham khảo thêm một cột mốc liên quan đến ngày ngày 18 tháng 4 như sau: Nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Đại Hội đồng liên hiệp quốc năm 1976 lấy năm 1981 là năm Quốc tế đầu tiên về người khuyết tật, kêu gọi một kế hoạch hành động ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, với trọng tâm là tăng cường các cơ hội, phục hồi chức năng và phòng ngừa khuyết tật, ngày 18 tháng 4 năm 1980, Chính phủ Việt Nam đã thành lập Ủy ban Năm quốc tế những người tàn tật của Việt Nam.
Kể từ năm 2019, Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam chính thức công bố chủ đề cho ngày người khuyết tật Việt Nam 18/4/2019 là “Tiếp cận cho mọi người”. Mỗi năm Liên hiệp hội sẽ đưa ra một chủ đề với thông điệp khác nhau nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về quyền và sự hoà nhập của người khuyết tật Việt Nam.

Paralympic Việt Nam - ngôi nhà chung của Thể thao khuyết tật

Hơn 25 năm qua, Paralympic Việt Nam luôn đồng hành, sát cánh cùng thể thao khuyết tật. Đưa các vận động viên từ các vùng quê, các trường học, trải dài từ Bắc vào Nam tụ hội tại các trung tâm tập huấn, trở thành những ứng viên sáng giá cho tấm huy chương mang về cho Tổ quốc. Tại ngôi nhà chung này, đã có biết bao số phận được thay đổi mà sự thay đổi lớn nhất chính là đem lại giá trị sống mới cho các vận động viên. Từ những người nhút nhát, thiếu tự tin, đầy mặc cảm, họ trở thành những người mạnh dạn bước lên các sàn đấu, đứng trước hàng ngàn người hâm mộ, máy quay, phóng viên báo chí... để trình diễn màn thi xuất sắc của mình. Họ đã chứng minh mình là người “khuyết tật nhưng không khuyết tài”, “bất tiện” trong cuộc sống chứ không “bất lực”, “đầu hàng”. Paralympic Việt Nam đã đưa họ trở thành Gương mặt Truyền cảm hứng lan toả đến cộng đồng. Như Lê Văn Công được đề cử We Choice Awards 2016. Anh đã có câu nói nổi tiếng rằng: “Khi ý thức được mình thiếu đôi chân thì đôi tay đã mạnh mẽ lắm rồi”.

Paralympic Việt Nam chỉ là một trong những đóng góp vào thành công đưa người khuyết tật hoà nhập cộng đồng và gắn kết xã hội ở lĩnh vực thể thao. Còn rất nhiều hoạt động như âm nhạc, hội hoạ... của các tổ chức khác cũng đang góp phần làm thay đổi cuộc sống của người khuyết tật tốt hơn.

Hơn 7% dân số Việt Nam là người khuyết tật, Paralympic Việt Nam sẽ mở rộng và phát triển hơn nữa để thêm nhiều cơ hội cho các vận động viên đến với triệu trái tim người Việt Nam và thế giới.
                                                                                                                            Thanh Chúc
                                                                                                                     Biên tập: Kim Thành