Phát triển phong trào judo người khiếm thị

20:30 - 06/06/2022

Nằm trong khuôn khổ Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2022, giải judo người khiếm thị vô địch quốc gia đã diễn ra trong 2 ngày 31-5 và 1-6 tại Nhà tập luyện Phú Thọ (TPHCM) với những màn tranh tài hấp dẫn cùng những khoảnh khắc chiến đấu hết mình của những võ sĩ “đặc biệt”.

Phát triển phong trào judo người khiếm thị

Các võ sĩ được trao huy chương tại giải judo người khiếm thị vô địch quốc gia 2022. Ảnh: NGUYỄN ANH

Giải đấu judo người khiếm thị vô địch quốc gia có khoảng 40 vận động viên (VĐV) tham dự, đến từ đơn vị Bình Thuận và TPHCM. Trong tiếng hò reo cổ vũ từ phía cổ động viên, các võ sĩ cố gắng thực hiện các kỹ thuật đã tập luyện. Kết quả dù thắng hay thua, họ vẫn mỉm cười vì đã thi đấu hết sức mình, được thỏa niềm đam mê với võ thuật, vượt qua số phận kém may mắn và vươn lên trong cuộc sống.

Phát triển phong trào judo người khiếm thị ảnh 1Các VĐV nỗ lực thi đấu tại giải
 
Ông Lý Đại Nghĩa, Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Judo Việt Nam cho biết: “Đa phần người khiếm thị có phản xạ kém nên đôi khi trong cuộc sống khó tránh việc gặp chấn thương hay va chạm. Khi luyện tập judo với những kỹ thuật té ngã an toàn, có thể giúp họ tự bảo vệ bản thân mình nếu gặp phải va vấp và tự tin hơn trong cuộc sống. Ngoài ra, thông qua hoạt động thi đấu và đạt thành tích, sẽ minh chứng được giá trị của người khuyết tật trong xã hội, từ đó hướng đến một xã hội chia sẻ, đồng cảm, hòa nhập”.
 
Phát triển phong trào judo người khiếm thị ảnh 2
 
Thể thao nói chung, judo nói riêng đã đưa mọi người đến gần nhau hơn, không còn những tự tin mặc cảm của bản thân mà ở đó là sự sẻ chia. 
 
Cũng theo ông Nghĩa, ở Việt Nam, phong trào judo người khiếm thị phát triển chủ yếu tại TPHCM. Hiện có 3 nơi đang duy trì phát triển phong trào judo cho người khiếm thị là Cộng đồng thể thao người khuyết tật Việt Nam, trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, Nhà tập luyện Phú Thọ. Ngoài TPHCM, Bình Thuận là địa phương tiếp theo đang phát triển phong trào trong khoảng một năm qua, đơn cử là CLB judo người khiếm thị tại Trung tâm bảo trợ Lagi.
 
Phát triển phong trào judo người khiếm thị ảnh 3
 
Dù thắng hay thua, các VĐV vẫn mỉm cười vì đã thi đấu hết sức mình, được thỏa niềm đam mê với võ thuật. 
 
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, thể thao người khuyết tật đang dần chuyển mình từ hình thức phong trào sang thể thao thành tích cao, hướng đến sự chuyên nghiệp. Các VĐV “đặc biệt” xác định việc luyện tập thể thao không chỉ mang lại sức khỏe mà dần tiến đến chuyên nghiệp, nhận được các chế độ khi tham gia tập huấn và thi đấu.
 
Phát triển phong trào judo người khiếm thị ảnh 4
 
Hướng dẫn VĐV judo khiếm thị ra thảm đấu