Thể thao người khuyết tật: Chờ ngày lên đường tham dự Paralympic Tokyo 2020
20:50 - 08/08/2021
Ngày 19/8 tới, đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam bao gồm 15 thành viên, trong đó, có 7 vận động viên, 3 huấn luyện viên và 5 cán bộ, bác sỹ, phiên dịch sẽ lên đường tới Tokyo tham dự Paralympic 2020.
Paralympic Tokyo 2020 được tổ chức từ ngày 24/8 đến 5/9/2021 với 22 môn thể thao (540 nội dung thi đấu) dành cho người khuyết tật trên toàn thế giới. Căn cứ vào thành tích của các vận động viên và theo thông báo từ Ủy ban Paralympic thế giới, Việt Nam có 7 vận động viên chính thức tham dự ở 3 môn thể thao gồm: điền kinh, bơi, cử tạ. Hiện nay, các vận động viên đang dốc sức tập luyện, chờ ngày tham dự Thế vận hội lớn nhất thế giới dành cho người khuyết tật.
Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các vận động viên đã không được thi đấu cọ xát ở các giải quốc tế để lấy chuẩn tham dự Thế vận hội. Ban đầu, Hiệp hội Paralympic Việt Nam dự kiến có 11 vận động viên tranh tài ở 3 môn thể thao. Song, căn cứ vào thành tích của các vận động viên và từ Ủy ban Paralympic thế giới, Việt Nam chỉ có 7 vận động viên tham dự.
Để chuẩn bị cho Paralympic Tokyo 2020, các vận động viên của đội tuyển cử tạ, điền kinh được tập huấn tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và đội tuyển bơi tập huấn tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Đà Nẵng. Ngay từ đầu năm 2021, các vận động viên có vé đến Tokyo được ăn, ở tập trung và tập luyện trong điều kiện tốt nhất tại 2 Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia này. Tuy nhiên, dịch bệnhđã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tập luyện và thi đấu cọ xát nhằm nâng cao thành tích của các đội tuyển thể thao người khuyết tật.
Tham dự Paralympic Tokyo lần này, đội tuyển bơi có 3 vận động viên đều đạt chuẩn A gồm: Võ Thanh Tùng (hạng thương tật S5, SB4); Đỗ Thanh Hải (S3); Trịnh Thị Bích Như (S6, SB5). Trường hợp của vận động viên Nguyễn Thành Trung đã xác nhận chuẩn tham dự Thế vận hội nhưng do phân loại thương tật quá hạn nên không được Ủy ban Paralympic quốc tế chấp thuận.
Môn bơi đã từng đóng góp tấm huy chương bạc đầu tiên cho Thể thao người khuyết tật Việt Nam tại kỳ Paralympic Rio 2016 của vận động viên Võ Thanh Tùng. Tấm huy chương bạc này sẽ là động lực không chỉ đối với "kình ngư" người An Giang mà còn tiếp sức cho các đồng đội của anh tích cực tập luyện để hướng đến đấu trường thể thao lớn sắp tới.
Huấn luyện viên Nguyễn Đăng Viễn cho biết: "Hiện nay, Võ Thanh Tùng của đội tuyển bơi rất tích cực tập luyện để chuẩn bị cho Paralympic Tokyo. Buổi sáng, các em tập nước, buổi chiều tập cạn. Giáo án mà Ban huấn luyện đưa ra luôn được điều chỉnh sao cho phù hợp với khả năng của mỗi vận động viên. Đây là sân chơi thể thao lớn nhất nên đòi hỏi các em phải nỗ lực tập luyện và thi đấu hết mình mới có thể giành được huy chương. Khó khăn hiện nay của đội là ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong suốt gần 2 năm qua, các vận động viên không được cọ xát ở các giải đấu lớn. Vào những thời điểm thành phố Đà Nẵng phải giãn cách xã hội, 2-3 tuần không được tập luyện ở hồ bơi, chỉ tập cạn nên các em không luyện được các giáo án mà huấn luyện viên đã đề ra. Mục tiêu của đội tuyển bơi tại Paralympic lần này là sẽ thi đấu hết mình để đạt được thành tích tốt nhất".
Môn điền kinh có 5 vận động viên được tập huấn để chuẩn bị tham dự Paralympic 2020 là Cao Ngọc Hùng (thương tật F57, ném lao); Phạm Nguyễn Khánh Minh (thương tật T12, chạy cự ly 400m); Trần Văn Nguyên (thương tật F40, đẩy tạ); Nguyễn Thị Hải (thương tật F57, ném đĩa); Nguyễn Ngọc Hiệp (thương tật T11, nhảy xa 400m). Trong số 5 vận động viên đang tập huấn, chỉ có 2 vợ chồng Cao Ngọc Hùng - Nguyễn Thị Hải thi đấu ở Paralympic lần này. Cao Ngọc Hùng là vận động viên đã từng mang về tấm huy chương đồng lịch sử cho điền kinh Thể thao người khuyết tật tại Paralympic Rio năm 2016. Trên sân tập, cặp vợ chồng Hùng - Hải đều cố gắng dốc sức tập luyện, vượt qua mọi khó khăn, quên đi những vất vả của cuộc sống để hướng đến đấu trường lớn nhất được tổ chức ở Tokyo vào tháng 8 này.
Lê Văn Công - Nhà vô địch Paralympic Rio 2016
Cùng với 2 đội tuyển bơi và điền kinh đến Tokyo lần này, đội tuyển cử tạ người khuyết tật có 2 vận động viên tham dự là Lê Văn Công (hạng 49kg), Châu Hoàn Tuyết Loan (hạng 55kg). Tại Paralympic Rio 2016, môn cử tạ đã đóng góp 1 huy chương vàng và 1 huy chương đồng cho đoàn Việt Nam. Trong đó, lực sỹ Lê Văn Công đã mang về tấm huy chương vàng Paralympic đầu tiên trong lịch sử. Không những vậy, anh còn phá kỷ lục Paralympic và xác lập kỷ lục thế giới ở hạng cân 49kg.
Các vận động viên đội tuyển cử tạ dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Lê Quang Thái được ăn, ở tập trung nên có điều kiện tập luyện thuận lợi. Ông Lê Quang Thái cho biết: "Gần 4 tháng nay do dịch bệnh, các vận động viên cấm trại ăn ở tại chỗ. 1 tuần các vận động viên có 3 buổi tập cử tạ, 3 buổi tập thể lực. Tham dự Paralympic lần này có nhiều khó khăn, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên các vận động viên không có điều kiện cọ xát thi đấu để nâng cao thành tích. Nhà vô địch Lê Văn Công còn bị ảnh hưởng chấn thương mấy năm nay nên sức khỏe có giảm sút nhưng đội tuyển cử tạ vẫn đặt niềm tin vào Lê Văn Công sẽ tranh chấp huy chương tại Thế vận hội lần này".
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, Lễ xuất quân đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự Paralympic Tokyo không thể diễn ra. Lễ tiễn toàn sẽ được Tổng cục Thể dục thể thao phối hợp với Hiệp hội Paralympic Việt Nam tổ chức vào tối ngày 19/8.
Ngày 20/8, đoàn sẽ tham dự cuộc họp Trưởng đoàn và nhập Làng Vận động viên.
Dự kiến lịch tập luyện và thi đấu của các môn:
Môn bơi bắt đầu tập luyện ngày 20/8 và thi đấu ngày 25/8
Cử tạ bắt đầu tập luyện ngày 21/8 và thi đấu ngày 26/8
Điền kinh bắt đầu tập luyện ngày 22/8 và thi đấu ngày 27/8
Lễ Khai mạc Paralympic Tokyo 2020 diễn ra vào lúc 20 giờ ngày 24/8 và Lễ bế mạc vào lúc 20 giờ ngày 5/9/2021.
Tại cuộc làm việc về công tác chuẩn bị của đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự Paralympic Tokyo 2020, ông Nguyễn Hồng Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao - đề nghị: "Vụ Thể dục thể thao quần chúng phải theo dõi tình hình và liên hệ chặt chẽ với Ban Tổ chức để đăng ký chuyên môn tránh sai sót cũng như các trường hợp vận động viên tham dự bỏ lỡ đáng tiếc vì nội dung thi đấu không nhiều. Cùng với đó, Vụ Thể dục thể thao quần chúng phải sớm cập nhật lịch thi đấu để có kế hoạch ngày về ngay sau khi kết thúc môn thi đấu cuối cùng. Đoàn Việt Nam sẽ không tham dự Lễ bế mạc Paralympic nhằm đảm bảo sức khỏe của các vận động viên, bởi các vận động viên người khuyết tật có thể trạng và khả năng chống chọi với dịch bệnh phần nào cũng kém hơn".
Bơi, cử tạ và điền kinh là 3 môn thể thao có nhiều đóng góp cho Thể thao người khuyết tật Việt Nam tại các kỳ ASEAN Para Games, ASIAN Para Games và gần đây nhất là Paralympic Rio năm 2016. Có được thành tích này là nhờ sự dốc sức, đồng lòng của tập thể huấn luyện viên, vận động viên, đặc biệt là nỗ lực phi thường của các vận động viên người khuyết tật - những người đã vượt qua mọi khó khăn, vất vả thường ngày, vượt lên chính mình để chiến thăng số phận. Hy vọng, các vận động viên người khuyết tật Việt Nam sẽ tiếp tục làm nên nhiều kỳ tích để mang về những tấm huy chương cho thể thao nước nhà.
Phương Mai