Các vận động viên thể thao người khuyết tật trước ngày lên đường tham dự Paralympic Rio (Brazil). |
- Ông có thể chia sẻ đôi điều về chuyến công tác vừa qua?
- Hội nghị trưởng đoàn các quốc gia hướng tới Paralympic Tokyo năm 2020 diễn ra tại Tokyo (Nhật Bản) vào trung tuần tháng 9 đã thống nhất nhiều điểm quan trọng, trong đó đáng chú ý là việc chốt thời điểm diễn ra một số sự kiện. Thứ nhất, từ tháng 1 đến tháng 5-2020, tiếp tục tổ chức một số giải đấu mang ý nghĩa xét chuẩn tham dự Paralympic. Đến cuối tháng 5-2020 sẽ công bố chính thức danh sách vận động viên đạt chuẩn được góp mặt tại Đại hội Thể thao lớn nhất thế giới dành cho người khuyết tật và tất cả các vận động viên này đều được đài thọ chi phí ăn, ở trong thời gian diễn ra Paralympic năm 2020. Thứ hai, ngày 3-8-2020 là thời điểm chốt đăng ký các đoàn vào Làng vận động viên và nơi đây sẽ vận hành chính thức từ ngày 18-8-2020. Paralympic năm 2020 dự kiến khai mạc 25-8, bế mạc 6-9, tại Tokyo.
- Chỉ còn hơn nửa năm để tranh suất chính thức tham dự Paralympic, công tác chuẩn bị của chúng ta cho sự kiện lớn này như thế nào, thưa ông?
- Hiện tại, một số vận động viên trọng điểm của cử tạ, bơi như Lê Văn Công, Võ Thanh Tùng... đã được cử đi thi đấu một số giải mang tính chất tích điểm, xét chuẩn tham dự Paralympic, nhưng như đã chia sẻ, phải đến tháng 5-2020 mới biết chắc chắn số lượng vận động viên Việt Nam được góp mặt tại Đại hội. Trước thời điểm chốt danh sách vận động viên chính thức đạt chuẩn dự Paralympic, chúng ta sẽ cử một số đội tuyển tham dự Cúp Bóng bàn thế giới tại Đài Loan (Trung Quốc), Cúp Cầu lông thế giới tại Thụy Sĩ... Mục tiêu của Việt Nam là phấn đấu có từ 11 vận động viên trở lên đủ điều kiện tham gia Paralympic Tokyo năm 2020, tương tự như Paralympic Rio năm 2016.
- Với thực lực như hiện nay, ông kỳ vọng gì về thể thao người khuyết tật Việt Nam tại Paralympic Tokyo năm 2020?
- Việt Nam từng lập kỳ tích giành 1 Huy chương vàng, 1 Huy chương bạc, 2 Huy chương đồng tại Paralympic Rio năm 2016, trong đó, Huy chương vàng thuộc về lực sĩ cử tạ Lê Văn Công ở hạng 49kg. Tuy nhiên, việc tái lập kỳ tích nói trên là khó, bởi Lê Văn Công chưa hoàn toàn hồi phục chấn thương vai. Hơn nữa, tháng 7-2019, Lê Văn Công tham dự một giải Cúp thế giới tại Kazakhstan mang ý nghĩa tích điểm cho Paralympic, nhưng chỉ xếp thứ 6. Trong khi đó, ở môn bơi, Võ Thanh Tùng tuy từng giành Huy chương bạc Paralympic, nhưng nay đã ở độ tuổi khó tạo đột phá về thành tích, khó có thể tranh chấp Huy chương vàng.
- Trước mắt, với ASEAN Para Games năm 2019 tại Philippines, tình hình lực lượng của chúng ta thế nào?
- Ở cấp độ toàn cầu, Việt Nam không dễ tái lập thành tích giành Huy chương vàng Paralympic, nhưng ở sân chơi khu vực Đông Nam Á, tôi đánh giá lực lượng của chúng ta vẫn đủ khả năng duy trì trong nhóm 4 quốc gia dẫn đầu, tranh chấp với Thái Lan, Malaysia và chủ nhà Philippines. Tại ASEAN Para Games năm 2017, Việt Nam xếp thứ tư toàn đoàn, phá 20 kỷ lục, trong đó có 1 kỷ lục châu Á, 19 kỷ lục Đông Nam Á. Kỳ này, Hiệp hội Paralympic Việt Nam đã phối hợp với Tổng cục Thể dục - Thể thao tổ chức Giải Điền kinh, bơi lội toàn quốc tại Cần Thơ hồi tháng 7-2019 và vào tháng 10-2019 tới đây là các giải đấu quy mô toàn quốc một số môn khác tại Thái Nguyên. Sau ngày 15-10, chúng tôi sẽ tuyển chọn lực lượng có phong độ tốt nhất tham dự ASEAN Para Games 2019.
- Khó khăn nhất lúc này là gì, thưa ông?
- Khó nhất là thiếu kinh phí, do đó, thay vì dự giải với 150 vận động viên, chúng ta chỉ đủ điều kiện cử 110 vận động viên dự sân chơi khu vực, bởi ở ASEAN Para Games, tất cả các nước tham gia đều phải tự túc toàn bộ kinh phí. Cũng vì hạn chế về kinh phí, thay vì tập huấn dài hơi, thì các vận động viên chỉ được tập huấn khoảng hơn 1 tháng, trước khi lên đường tham dự đấu trường khu vực.
Chính vì vậy, Hiệp hội Paralympic Việt Nam kêu gọi sự chung tay của các doanh nghiệp, tổ chức xã hội trong việc hỗ trợ vận động viên người khuyết tật Việt Nam trong quá trình chuẩn bị và thi đấu ở các đấu trường quốc tế lớn. Hiện mới có một số đơn vị ủng hộ quần, áo, trang phục thi đấu, thuốc và dinh dưỡng bổ trợ. Trong khi đó, vận động viên người khuyết tật của chúng ta đa phần rất khó khăn, trang thiết bị tập luyện và thi đấu thiếu thốn, lạc hậu. Quỹ thưởng nóng dành cho vận động viên cũng rất ít ỏi. Mong rằng, sẽ có thêm sự quan tâm để khích lệ các vận động viên người khuyết tật giàu nghị lực đang nỗ lực từng ngày vươn lên trong cuộc sống, tự tin hòa nhập cộng đồng thông qua hoạt động thi đấu thể thao.
- Còn với nhiệm vụ chuẩn bị đăng cai ASEAN Para Games năm 2021, chúng ta đã tiến hành các đầu việc đến đâu, thưa ông?
- Đề án đăng cai đã được hoàn thiện và đang chờ phê duyệt. Theo thông lệ, Ban Tổ chức nước chủ nhà thường phải tổ chức tối thiểu 14 môn đấu. Hiện tại, chúng ta mới có các môn cử tạ, điền kinh, bơi, cờ vua, cầu lông, judo, bóng đá khiếm thị... Để đăng cai tối thiểu 14 môn, chúng ta sẽ phải đầu tư phát triển một số môn tập thể như bóng rổ, bóng chuyền ngồi, bóng lăn, bắn cung...
Trong khuôn khổ chương trình hợp tác với Ủy ban Paralympic Hàn Quốc giai đoạn 2016-2021, hiện có 1 chuyên gia người Hàn Quốc sang hỗ trợ Văn phòng Hiệp hội Paralympic Việt Nam phát triển chuyên môn trong thời gian 1 năm, bắt đầu từ cuối tháng 8-2019 đến cuối tháng 8-2020, toàn bộ kinh phí do phía Hàn Quốc chi trả. Đó thực sự là sự giúp đỡ rất quý giá.
- Trân trọng cảm ơn ông!