Thế vận hội đầy khó khăn của thể thao người khuyết tật Việt Nam
22:43 - 20/08/2021
TS. Nguyễn Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ TDTT Quần chúng (Tổng cục TDTT): “Paralympic Tokyo 2020 sẽ là Thế vận hội đầy khó khăn của thể thao người khuyết tật Việt Nam”
Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam sẽ lên đường tham dự Paralympic Tokyo 2020 vào đêm nay (19/8). Đây sẽ là một kỳ Thế vận hội vô cùng khó khăn của chúng ta. Bởi lẽ gần 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các vận động viên không có cơ hội thi đấu cọ xát ở các giải quốc tế nên thành tích khó được cải thiện. Tuy nhiên, những người trong cuộc vẫn mong các vận động viên của chúng ta sẽ vượt qua chính mình, tỏa sáng và tiếp tục viết nên kỳ tích, góp thêm động lực cho phong trào thể thao người khuyết tật Việt Nam ngày càng phát triển.
Để hiểu thêm về những khó khăn trong công tác phát triển thể thao người khuyết tật ở Việt Nam nói chung cũng như những yếu tố mà vận động viên của chúng ta sẽ gặp phải tại kỳ Paralympic lần này nói riêng, phóng viên thethaovietnamplus.vn đã có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Thể dục thể thao Quần chúng (Tổng cục Thể dục thể thao) xung quanh vấn đề này.
TS. Nguyễn Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Thể dục thể thao Quần chúng (Tổng cục Thể dục thể thao)
- Ông đánh giá thế nào về khả năng các vận động viên thể thao người khuyết tật Việt Nam giành được huy chương tại Paralympic Tokyo 2020?
Ông Nguyễn Ngọc Anh: Theo đánh giá chung thì khả năng giành thành tích của thể thao người khuyết tật Việt Nam tại Paralympic Tokyo lần này là khó, không muốn nói là rất khó có thể giành được một tấm huy chương. Với thành tích đã đạt được tại kỳ Paralympic 2016 thì đó thực sự là một kỳ tích mà thể thao người khuyết tật của chúng ta có được cho đến lúc này. Thực tế, kết quả đó đến từ sự xuất sắc của mỗi vận động viên và huấn luyện viên của họ, bởi do điều kiện khách quan và chủ quan, thể thao người khuyết tật Việt Nam chưa thể triển khai được kế hoạch hay chiến lược khoa học nào để có được thành tích như vậy.
Có thể nói trong thi đấu thành tích cao, thể thao người khuyết tật Việt Nam chưa có cơ sở có thể tranh chấp huy chương sòng phẳng tại các đấu trường thế giới. Những kết quả có được trong thời gian qua đến từ sự nỗ lực của một số cán bộ thể thao tâm huyết, một số câu lạc bộ, địa phương chủ động tìm kiếm tài năng, cũng có phần đến từ sự may mắn và nhất là sự vượt khó của các vận động viên.
Tại Paralympic Tokyo lần này chúng ta có 7 vận động viên tham dự là Võ Thanh Tùng, Đỗ Thanh Hải, Trịnh Thị Bích Như (môn bơi), Lê Văn Công, Châu Hoàng Tuyết Loan (môn cử tạ) và Cao Ngọc Hùng, Nguyễn Thị Hải (môn điền kinh). Vẫn còn 3 trên 4 vận động viên giành huy chương tại Paralympic 2016, trong đó có vận động viên cử tạ Lê Văn Công - người đạt thành tích 183kg, phá kỷ lục Paralympic 2016 và giải vô địch thế giới 2017 tổ chức tại Mexico. Nhưng đáng tiếc Công lại bị chấn thương sau đó, không thể tham dự Đại hội Thể thao người khuyết tật châu Á và giải vô địch châu Á tại Nhật Bản năm 2018. Vì chấn thương chưa khỏi hẳn nên từ năm 2019 đến nay, Lê Văn Công không đạt được thành tích cũ của mình và lần này chỉ đến Tokyo bằng vé mời. Bên cạnh đó, các vận động viên đều đã lớn tuổi, thành tích không cao trong Bảng xếp hạng của Ủy ban Paralympic quốc tế.
- Vậy thì, Paralympic Tokyo 2020 có là sân chơi quá tầm với thể thao người khuyết tật Việt Nam không, thưa ông?
Ông Nguyễn Ngọc Anh: Ở sân chơi Olympic hay Paralympic thì các môn thể thao như điền kinh, bơi, cử tạ ngoài yếu tố kỹ thuật còn đòi hỏi tố chất thể lực tốt, mà ở các môn thể thao cơ bản này, thể chất của người Việt Nam còn khá khiêm tốn. Các vận động viên của chúng ta chưa có cơ hội có thể tranh chấp thành tích với các vận động viên đến từ các quốc gia thuộc châu Âu hay châu Mỹ. Trong thể thao đỉnh cao nói chung thì như vậy, còn trong thể thao người khuyết tật nói riêng, đối với loại hình khuyết tật vận động là những vận động viên với ít nhất một chi bị khuyết một phần hoặc toàn bộ, thì tương quan về thể chất giữa vận động viên đến từ các quốc gia này vẫn hơn hẳn các vận động viên Việt Nam. Thực tế, họ đang có những vận động viên khuyết tật xin được tham gia Olympic nhưng bị từ chối. Để chiến thắng được các đối thủ như vậy, sẽ là rất khó khăn không khác gì các vận động viên thể thao thành tích cao Việt Nam ở các môn điền kinh, bơi hay cử tạ thi đấu tại đấu trường Olympic Tokyo vừa qua.
"Kình ngư" Trịnh Thị Bích Như ở nội dung 100m ếch - Ảnh Quý Lượng
- Theo ông, muốn thể thao người khuyết tật có thành tích tốt, chúng ta cần phải có những giải pháp gì?
Ông Nguyễn Ngọc Anh: Tại các Đại hội thể thao người khuyết tật khu vực, châu lục và thế giới, bản chất là thi đấu thể thao thành tích cao dành cho người khuyết tật. Muốn có thành tích ở các đấu trường này đặc biệt là Paralympic, thì không thể nằm ngoài quy luật chung và không khác gì làm thể thao thành tích cao. Từng là vận động viên, huấn luyện viên, cán bộ quản lý thể thao thành tích cao nên tôi nhận thấy: Nhìn chung, các các quốc gia sở hữu những vận động viên có huy chương ở sân chơi danh giá đều là những nước có nền thể thao phát triển, có các điều kiện đảm bảo như: Trang thiết bị, cơ sở vật chất thể thao hiện đại; Khoa học kỹ thuật, y học thể dục thể thao phát triển; Hệ thống tuyển chọn và đào tạo vận động viên bài bản khoa học…
Đối với Việt Nam chúng ta hiện nay vẫn còn khó khăn về nhiều mặt, nguồn kinh phí cho thể thao còn hạn chế, nên cần tìm ra những mấu chốt để đột phá. Một trong những mấu chốt quan trọng nhất là làm sao để tuyển chọn phát hiện tài năng thể thao phù hợp và sử dụng nguồn lực hiện có hiệu quả trong công tác bồi dưỡng phát triển tài năng đó.
Để việc tuyển chọn phát hiện tài năng thể thao nói chung hiệu quả bền vững thì cần có sự phối hợp tốt với địa phương phát triển rộng mạng lưới tuyển chọn và đào tạo vận động viên các tuyến; cần tổ chức các cuộc Hội thảo để đi đến thống nhất chung, nhằm đánh giá nghiêm túc, quy hoạch các môn thể thao phù hợp mà Việt Nam có khả năng đạt thành tích cao tại các Đại hội thể thao cấp khu vực, châu lục và thế giới. Qua Hội thảo, chúng ta sẽ định hướng được những môn thể thao trọng điểm, thậm chí là các nội dung trọng điểm mà Việt Nam có thể có cơ hội tranh chấp thứ hạng, phù hợp với mỗi Đại hội cụ thể, rồi từ đó có sự chia sẻ trách nhiệm tương ứng, thống nhất chung trong công tác triển khai từ trung ương tới địa phương.
Những tài năng thể thao tìm được cần có kế hoạch tập trung đầu tư đặc biệt, được huấn luyện viên hoặc chuyên gia giỏi huấn luyện, được áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong tập luyện, được hồi phục và chữa trị chấn thương kịp thời, có chế độ dinh dưỡng riêng phù hợp. Những tài năng đó phải được tập huấn, thi đấu cọ xát quốc tế liên tục nhằm nâng cao bản lĩnh và thành tích thể thao… và phải có một Hội đồng chuyên môn khách quan giám sát đánh giá một cách khoa học, chính xác kết quả triển khai kế hoạch ở từng giai đoạn cụ thể.
Để có nguồn lực đáp ứng yêu cầu cần có sự chia sẻ nhiệm vụ, đây cũng là thời điểm phù hợp nên nghiên cứu phương án giao cho các địa phương đảm nhiệm những giải thể thao, đại hội thể thao ở cấp khu vực. Còn trung ương cùng phối hợp với các địa phương tìm kiếm tài năng ở các nội dung, trong những môn thể thao trọng điểm có thể giành thành tích ở các đại hội thể thao cấp châu lục trở lên. Với thể thao người khuyết tật, muốn đạt thành tích cao cũng phải từng bước thực hiện theo những giải pháp này.
- Với cương vị là một nhà quản lý, xin ông có thể cho biết khó khăn trong việc phát triển phong trào thể thao cho người khuyết tật hiện nay là gì?
Ông Nguyễn Ngọc Anh: Việt Nam chúng ta hiện có khoảng 7,8 triệu người khuyết tật nhưng chỉ có khoảng 6 nghìn người tham gia tập luyện thể dục thể thao (gần 0,1%). Trong số đó, có 87,27% người khuyết tật sống ở nông thôn, tỉ lệ người khuyết tật sống ở khu vực này thuộc diện nghèo và cận nghèo thường cao gấp 3 tỉ lệ nghèo trung bình trong cả nước. Đa số người khuyết tật không có việc làm, họ phải mưu sinh và không có thời gian tập luyện thể thao, nếu theo thể thao chuyên nghiệp thì cơ hội có việc làm sau khi kết thúc tập luyện là một bài toán nan giải (thực trạng hiện nay đối với vận động viên bình thường có thể đăng ký học các trường Đại học Thể dục thể thao, nhưng vận động viên người khuyết tật không thuộc đối tượng được hưởng chế độ này nên họ gặp phải khó khăn tìm công việc chuyên môn sau khi nghỉ thi đấu).
Nhiều địa phương chưa quan tâm đến việc đưa thể dục thể thao đến với người khuyết tật. Các công trình tập luyện thể dục thể thao và hạ tầng cơ sở phần lớn lại chưa có thiết kế phù hợp cho người khuyết tật tiếp cận, chế độ chính sách còn chưa mang tính khuyến khích cao nên số lượng người khuyết tật tham gia tập luyện thể dục thể thao còn hạn chế. Do vậy, khâu tuyển chọn và phát hiện tài năng hết sức khó khăn. Vận động được người khuyết tật tập luyện thể thao đã khó chứ chưa nói đến lựa chọn tìm được vận động viên tài năng kế cận đáp ứng được yêu cầu.
Bên cạnh đó, đội ngũ huấn luyện viên, hướng dẫn viên không nhiều, lại thiếu kiến thức đặc thù về thể thao người khuyết tật và các cơ sở đào tạo chuyên ngành chưa đào tạo chuyên môn về lĩnh vực này. Cơ hội với thể thao người khuyết tật Việt Nam để có thành tích ở các sân chơi mang tầm thế giới chỉ có thể ở các hạng thương tật nặng của môn bơi, một số nội dung ném đẩy của môn điền kinh hoặc một số hạng cân nhẹ của môn cử tạ. Với những tài năng hiện có, chúng ta cũng chưa có đủ nguồn lực tốt nhất để họ nâng cao thành tích thể thao, ngoại trừ việc tập trung tập huấn tại các Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia.
Ngoài chế độ được nhà nước chi trả khi tập luyện, các vận động viên người khuyết tật vẫn phải mưu sinh thêm mới đảm bảo cuộc sống cho bản thân và gia đình. Do vậy, việc toàn tâm, toàn ý tập trung vào tập luyện là hết sức khó khăn đối với họ. Vì muốn có sự chuẩn bị tốt nhất cho Paralympic, có giải pháp chuyên nghiệp hơn được đưa ra, đó là thí điểm việc chuyển đội bơi ra tập huấn tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Đà Nẵng nhằm giúp các vận động viên tách khỏi những chi phối ảnh hưởng để chuyên tâm tập luyện nâng cao thành tích. Mặc dù, có tốt hơn nhưng cũng chỉ là giải pháp tạm thời vì những khó khăn đặc thù đối với vận động viên người khuyết tật đã nêu ở trên. Đó là một số hạn chế chính khi muốn làm thể thao người khuyết tật một cách bài bản để hướng tới thành tích cao tại các đấu trường thể thao người khuyết tật quốc tế.
Vận động viên người khuyết tật mưu sinh
- Định hướng sự phát triển trong thời gian tới đối với thể thao người khuyết tật là gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Ngọc Anh: Trong điều kiện hiện nay với thể thao người khuyết tật của chúng ta mục tiêu quan trọng nhất là cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chế độ chính sách, nghiên cứu triển khai các hình thức phù hợp. Thông qua các hoạt động thể thao trong nước và quốc tế, góp phần từng bước cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta quan tâm chăm lo đến đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt này. Qua đó, thu hút được đông đảo người khuyết tật tham gia tập luyện thể thao, giúp họ có thể khẳng định và vượt qua chính mình làm chủ cuộc sống, tự tin hòa nhập cộng đồng, phát huy khả năng, tham gia đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đêm 19/8, đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam lên đường tham dự Paralympic Tokyo 2020. Mặc dù không phải là mục tiêu nhưng chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng, những vận động viên Việt Nam sẽ vượt qua chính mình, tỏa sáng và tiếp tục viết nên kỳ tích như họ đã từng làm, để góp thêm động lực cho phong trào thể thao người khuyết tật của chúng ta ngày càng phát triển.
- Xin cảm ơn ông và chúc đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam sức khỏe và thi đấu đạt kết quả cao!
Phương Mai (thực hiện)