Tiền thưởng của vận động viên khuyết tật khi nào mới bằng vận động viên bình thường?

10:13 - 30/08/2021

Lực sĩ Lê Văn Công sau khi giành HCB Paralympic 2020 sẽ được nhận 140 triệu đồng tiền thưởng theo quy định của Nhà nước. Trong khi đó, nếu một VĐV bình thường giành được HCB Olympic họ sẽ nhận được 220 triệu đồng.

Tiền thưởng của vận động viên khuyết tật khi nào mới bằng vận động viên bình thường?

Quy định này đã gây ra rất nhiều tranh cãi trong ngành thể thao những năm qua. Các cuộc họp xây dựng dự thảo nghị định về quy định tiền công tập luyện, tiền thưởng cho các VĐV, HLV chưa bao giờ thiếu những tranh luận về chuyện tiền thưởng cho VĐV khuyết tật và VĐV bình thường.

Nghị định 152 Chính phủ quy định về một số chế độ đối với VĐV, HLV thể thao trong quá trình tập huấn và thi đấu có hiệu lực từ ngày 24-12-2018 cho thấy tiền thưởng cho VĐV khuyết tật và VĐV bình thường chênh nhau rất nhiều. 

Chẳng hạn, cùng một đại hội nhưng VĐV khuyết tật giành được huy chương, tiền thưởng mà họ được nhận chỉ bằng 50-60% VĐV bình thường.

Cụ thể, VĐV bình thường giành huy chương Olympic sẽ lần lượt nhận được số tiền thưởng là 350 triệu cho HCV, 220 triệu cho HCB, 140 triệu cho HCĐ. 

Thế nhưng với VĐV người khuyết tật, nếu họ giành được huy chương tại Paralympic, phần thưởng được nhận là 220 triệu đồng cho HCV, 140 triệu đồng cho HCB, 85 triệu đồng cho HCĐ.

Tương tự, VĐV bình thường giành được huy chương Asiad sẽ nhận được mức thưởng là 140 triệu đồng HCV, 85 triệu đồng HCB, 55 triệu đồng HCĐ. 

Số tiền thưởng cho VĐV khuyết tật giành được huy chương tại Asian Para Games sẽ lần lượt là 80 triệu đồng cho HCV, 50 triệu đồng HCB, 30 triệu đồng HCĐ.

Ở đấu trường SEA Games, VĐV bình thường sẽ nhận thưởng 45 triệu đồng cho HCV, 25 triệu đồng cho HCB, 20 triệu đồng cho HCĐ. Trong khi đó VĐV khuyết tật sẽ nhận được tiền thưởng là 25 triệu đồng cho HCV, 15 triệu đồng cho HCB, 10 triệu đồng cho HCĐ tại Para Games.

 

Ông Vũ Thế Phiệt - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Paralympic Việt Nam (vừa đột ngột qua đời cách đây ít tuần) - là người gắn bó, có công rất lớn với thể thao khuyết tật Việt Nam. Đã không biết bao nhiêu lần trong nhiều thập kỷ qua, ông Phiệt đấu tranh với mong muốn tiền thưởng cho VĐV khuyết tật được cao bằng VĐV bình thường. Thế nhưng đến khi ông ra đi, niềm mong mỏi của ông vẫn chưa thực hiện được.

Sự quan tâm của Nhà nước với thể thao người khuyết tật dù đã cao hơn trước đây nhưng rõ ràng là chưa đủ. Sự quan tâm của xã hội, người dân với thể thao khuyết tật cũng chưa nhiều. Điều đó được thể hiện rất rõ qua lễ xuất quân của đoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic Tokyo và đoàn thể thao người khuyết tật dự Paralympic 2020. 

Trong khi VĐV bình thường được treo thưởng đến vài tỉ đồng cho huy chương Olympic thì đoàn thể thao người khuyết tật tuyệt nhiên không thấy doanh nghiệp, cá nhân nào đứng ra treo thưởng. Chỉ có Bộ VH-TT&DL thưởng cho mỗi VĐV khuyết tật 15 triệu đồng để khích lệ trước khi lên đường.

Với người khuyết tật, để sống một cuộc đời bình thường đã là hành trình gian nan, khó khăn hơn rất nhiều một người có cơ thể lành lặn. Để vươn tới đỉnh cao của thể thao thế giới, chắc chắn họ phải nỗ lực hơn, đau đớn hơn người có đủ chân đủ tay.

Ngày 26-8, lực sĩ Lê Văn Công nén đau để giành HCB cho thể thao người khuyết tật Việt Nam tại Paralympic Tokyo 2020 gây xúc động cho hàng triệu người yêu thể thao. Nghị lực phi thường của Lê Văn Công khi anh vượt qua sự kém may mắn của bản thân, đóng góp cho thể thao nước nhà là điều đáng trân trọng, tôn vinh, truyền cảm hứng hơn bất cứ câu chuyện nào khác.

Nếu Lê Văn Công cũng được Nhà nước, xã hội thưởng như một VĐV lành lặn, chắc chắn đó là sự ghi nhận quý giá, thiết thực nhất với anh và những VĐV thể thao khuyết tật Việt Nam.