"Các vận động viên nỗ lực thi đấu, vượt lên chính mình tại Paralympic 2024"
11:14 - 09/09/2024
Tối 8/9 (theo giờ địa phương), Paralympic Paris 2024 đã khép lại những ngày tranh tài của các vận động viên thể thao người khuyết thế giới trên đất Pháp bằng Lễ bế mạc với nhiều cảm xúc. Kết thúc Đại hội, đoàn Việt Nam giành được 1 tấm huy chương đồng của Lê Văn Công ở môn Cử tạ, đứng thứ 79 trên Bảng tổng sắp Thế vận hội. Thành tích của các vận động viên người khuyết tật Việt Nam đạt được tại Thế vận hội lần này là sự nỗ lự
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về thành tích mà đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam đạt được tại Paralympic Paris 2024?
Ông Trần Đức Thọ: Tại kỳ Paralympic lần này, vận động viên Lê Văn Công đã giành huy chương đồng với thành tích 171kg môn Cử tạ hạng 49kg. Ở hạng cân này, so với các đối thủ khác, Công có phần lớn tuổi. Dù đã ở tuổi 40 và bị chấn thương trong một thời gian dài nhưng Lê Văn Công đã cố gắng vượt qua khó khăn về tuổi tác và nỗi đau chấn thương với nỗ lực phi thường để mang huy chương về cho Tổ quốc. Cùng với đó, nhiều vận động viên khác cũng nỗ lực thi đấu và đạt thứ hạng cao hơn trước đây trên Bảng xếp hạng thế giới như: Lê Tiến Đạt xếp hạng 4 và Đỗ Thanh Hải xếp hạng 5 môn Bơi nội dung 100m ếch; Châu Hoàng Tuyết Loan xếp hạng 5 nội dung 55kg và Đặng Thị Linh Phượng đứng thứ 8 hạng 50kg môn Cử tạ. Các vận động viên Việt Nam tranh tài tại Paralympic lần này đã tập luyện và thi đấu với quyết tâm cao, trở thành tấm gương về ý chí, nghị lực cùng tinh thần không từ bỏ, vượt qua mọi khó khăn, vươn lên hoà nhập với cộng đồng.
heo ông, thành tích mà các vận động viên đạt được tại Paralympic lần này là do đâu?
Trước hết, đó là do sự nỗ lực tập luyện và tinh thần thi đấu hết mình của các vận động viên. Tuy nhiên để có được thành tích này, còn nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Thể dục thể thao, Ủy ban Paralympic Việt Nam, các Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia, các cơ quan báo chí truyền thông, doanh nghiệp đã động viên về tinh thần, vật chất. Cục Thể dục thể thao tạo điều kiện cho các vận động viên được tập huấn thường xuyên và hưởng chế độ tốt nhất. Đặc biệt, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã kêu gọi các nguồn lực hỗ trợ để chăm lo cho các vận động viên trước ngày lên đường dự Paralympic Paris 2024 như: Trao tặng cho mỗi huấn luyện viên, vận động viên 30 triệu đồng; Treo thưởng cho các tấm huy chương vàng, bạc, đồng. Đây là nguồn động viên, khích lệ rất lớn đối với các vận động viên.
Ông có thể cho biết, khó khăn của các vận động viên tại Paralympic Paris là gì?
Trong số 7 vận động viên tranh tài tại Paralympic lần này, nhiều em đã lớn tuổi như: Lê Văn Công, Đặng Thị Linh Phượng, Châu Hoàng Tuyết Loan, Lê Tiến Đạt. Hiện nay, chúng ta đang tìm các vận động viên kế cận thế hệ vận động viên này. So với thế giới cũng như so với các nước trong khu vực Đông Nam Á như: Singapore, Thái Lan, Philippines, Malaysia hay Indonesia, chúng ta kém họ khi tuổi của các vận động viên người khuyết tật Việt Nam đang quá cao, thể lực yếu. Đấy là khó khăn nhất của chúng ta khi tham gia đấu trường quốc tế.
Vậy Ủy ban Paralympic Việt Nam có giải pháp gì trong việc tuyển chọn vận động viên kế cận, thưa ông?
Trong thời gian tới, ngoài lực lượng các vận động viên đang thi đấu hiện nay, Ủy ban Paralympic Việt Nam sẽ tuyển chọn lực lượng vận động viên kế cận chú yếu ở 3 môn: Bơi, Cử tạ, Điền kinh. Qua phát triển phong trào ở các địa phương và các giải Thể thao người khuyết tật được tổ chức hằng năm sẽ giúp Hiệp hội tìm nguồn vận động viên kế cận.
Bên cạnh đó, Ủy ban Paralympic Việt Nam mong muốn Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho các vận động viên ở các địa phương được tập luyện thường xuyên để có thể tuyển chọn lớp vận động viên kế cận có chất lượng cho đội tuyển quốc gia. Còn đối với các đội tuyển, để duy trì thành tích, các vận động viên cần được tập huấn thường xuyên.
Thời gian tới, Ủy ban Paralympic Việt Nam sẽ có hướng phát triển thế nào đối với phong trào thể thao và thi đấu thành tích cao cho người khuyết tật?
Hiện cả nước có gần 40 vận động viên người khuyết tật đang được hưởng chế độ dinh dưỡng, tập luyện theo chính sách của Nhà nước. Đây là con số còn khá khiêm tốn và lực lượng vận động viên người khuyết tật tập luyện thể thao đỉnh cao cần được nhân rộng hơn nữa ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Qua đó, giúp cho phong trào thể thao người khuyết tật tại Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ. Để làm được điều đó, ngoài sự quan tâm, đầu tư từ các cơ quan quản lý Nhà nước, Ủy ban Paralympic Việt Nam cần phát huy, đẩy mạnh hơn nữa việc kết nối, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp cùng chung tay đầu tư cho sự nghiệp phát triển thể thao người khuyết tật Việt Nam bằng những hoạt động thiết thực như: tài trợ, đầu tư nguồn kinh phí cử vận động viên đi thi đấu, tập huấn tại nước ngoài, nâng cao trình độ, thành tích chuyên môn. Ngoài ra, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện cho vận động viên tại các Trung tâm, cơ sở đào tạo mà vận động viên người khuyết tật đội tuyển quốc gia đang theo tập. Cùng với đó, quan tâm nhiều hơn nữa tới chính sách đãi ngộ dành cho vận động viên người khuyết tật trong quá trình thi đấu và khi giải nghệ.
Ủy ban Paralympic Việt Nam sẽ phát triển thêm một số môn thể thao mới như: Thể thao điện tử, Teakwondo, Khiêu vũ thể thao, Pickleball cho người khuyết tật. Tháng 11 tới, Ủy ban Paralympic Việt Nam sẽ mở Lớp tập huấn hướng dẫn môn Pickleball cho các huấn luyện viên tại các tỉnh miền Trung để phát triển môn thể thao mới này. Hướng tới mục tiêu có 1,5 triệu người khuyết tật tham gia hoạt động và tập luyện thể dục thể thao.
Xin cảm ơn ông. Chúc Thể thao người khuyết tật Việt Nam đạt nhiều thành tích tại các giải Thể thao châu lục và thế giới!
Mai Anh - thethaovietnamplus.vn